VỀ V-CAPS
V-CAPS là gì?
V-CAPS là viết tắt theo tên tiếng Anh của nghiên cứu (Vietnam COPD, Asthma and Prevention of Smoking - COPD, hen phế quản và phòng chống thuốc lá). V-CAPS là một dự án nghiên cứu kéo dài trong 5 năm nhằm xác định tính hiệu quả của chiến lược phối hợp của ngành y tế trong phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản tại Việt Nam.
V-CAPS do Hội đồng Nghiên cứu Y khoa và Sức khỏe Quốc gia Australia (NHMRC) và Đại học Sydney tài trợ.
Mạng lưới Liên mình Bệnh không lây nhiễm Toàn cầu (GACD) cũng hỗ trợ cho nghiên cứu này.
V-CAPS được triển khai với mục đích gì?
Mục tiêu chính của nghiên cứu là chứng minh tính hiệu quả của một gói các can thiệp phối hợp của ngành y tế nhằm giảm gánh nặng bệnh phổi mãn tính tại Việt Nam qua các can thiệp liên quan tới bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính/hen phế quản và các can thiệp cai nghiện thuốc lá.
Các giai đoạn của nghiên cứu V-CAPS
Giai đoạn 1
Sự tham gia phối hợp cùng các bên liên quan
Giai đoạn 2
Xây dựng và kiểm tra thử nghiệm lặp đi lặp lại
Giai đoạn 3
Can thiệp cụm phân bổ ngẫu nhiên có đối chứng
Giai đoạn 4
Mở rộng quy mô trên hệ thống y tế thông qua việc hợp tác giữa địa phương và khu vực
Các cấu phần chính của nghiên cứu V-CAPS
Cai nghiện thuốc lá
Nghiên cứu mảng cai nghiện thuốc lá sẽ tập trung tìm hiểu tình hình hút thuốc hiện nay ở các bệnh nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế cũng như ở cán bộ y tế, từ đó tìm hiểu các yếu tố tác động tới việc hút thuốc và cai thuốc lá. Những bằng chứng thực tế đó sẽ là nền tảng vững chắc để tìm ra giải pháp hỗ trợ bệnh nhân và nhân viên y tế cai thuốc lá.
COPD/hen phế quản
Cấu phần này sẽ tìm hiểu tỷ lệ COPD/hen phế quản trên các bệnh nhân có triệu chứng hô hấp đến khám/điều trị tại các cơ sở y tế, các yếu tố tác động, phương pháp điều trị hiện có và thử nghiệm các hướng chăm sóc điều trị mới, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhằm tăng cường chất lượng cuộc sống cho những người mắc bệnh phổi mãn tính.
Tăng cường hệ thống y tế
Nghiên cứu V-CAPS cũng sẽ tìm hiểu thực hành chăm sóc và điều trị bệnh nhân mắc COPD/hen, và dựa vào kết quả đánh giá hoạt động này để đưa ra các đề xuất cải thiện hệ thống y tế, định hướng hỗ trợ giảm tải cho các tuyến trung ương và tuyến tỉnh cũng như tăng cường năng lực cho tuyến dưới trong việc điều trị bệnh phổi mãn tính. Ngoài ra, dự án cũng mong muốn giúp các cán bộ y tế tham gia nhiều hơn trong việc hỗ trợ cai nghiện thuốc lá cho bệnh nhân.
Khoa học thực hành
Các cấu phần nghiên cứu trong dự án đều định hướng đến việc đưa ra các khuyến nghị cải thiện chính sách, trong đó có một phần quan trọng là áp dụng kinh tế y tế để đánh giá hiệu quả chi phí của can thiệp, từ đó đưa ra các giải pháp mang tính khả thi nhằm nhân rộng mô hình có các hiệu quả tích cực trong việc cai nghiện thuốc lá và giảm tỷ lệ mắc COPD/hen trong cộng đồng.